Thị trường xuất khẩu rộng mở
Đánh giá của Cục Công nghiệp cho thấy, việc tham gia CPTPP giúp Việt Nam đa phương hóa các quan hệ kinh tế, thương mại, tránh được những rủi ro do phụ thuộc vào một vài thị trường lớn. Bên cạnh đó, mức độ cam kết mở cửa mà các đối tác dành cho Việt Nam sâu và nhanh hơn so với những cam kết của Việt Nam với đối tác. CPTPP sẽ mở ra cánh cửa XK cho nhiều mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam như dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản… sang các thị trường mới như Canada, Mexico, Peru.
CPTPP đem đến nhiều cơ hội cho ngành dệt may |
Việt Nam sẽ được các nước xóa bỏ thuế quan ngay cho khoảng 78 – 95% số dòng thuế. Với hàng hóa thông thường, lộ trình xóa bỏ thuế là 5 -10 năm; đến cuối lộ trình, sẽ xóa bỏ 98 – 100% số dòng thuế. Ngược lại, Việt Nam loại bỏ ngay 65% số dòng thuế, đến năm thứ 11 sẽ xóa bỏ 97,8% số dòng thuế cho các đối tác. Trong đó, các doanh nghiệp (DN) XK gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ có cơ hội đẩy mạnh XK khi các sản phẩm như ván dán, ván ghép, khung tranh, khung cửa và nhất là đồ nội thất có thuế nhập khẩu (NK) dao động từ 6 – 9,5% sẽ được xóa bỏ ngay.
Hàng thủ công mỹ nghệ bằng gỗ cũng sẽ được hưởng lợi khi Canada đồng ý xóa bỏ mức thuế NK từ 7% về 0% ngay lập tức. Nếu như trước đây, XK sang Mexico khiêm tốn do mức thuế NK áp cho đồ gỗ khá cao, dao động từ 10 – 15%… thì với CPTPP, các sản phẩm gỗ sẽ có cơ hội thâm nhập thị trường này sâu hơn vì Mexico đã cam kết xóa bỏ hoàn toàn thuế NK cho các sản phẩm gỗ, ván sàn và đồ nội thất, ngoại thất của Việt Nam với lộ trình tối đa là 10 năm.
Đối với ngành dệt may, mức thuế XK tới các thị trường chưa có FTA chung hiện nay trung bình trên 10%. Khi CPTPP có hiệu lực, các sản phẩm Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật chung sẽ được hưởng thuế suất 0%. Khi đó, sản phẩm dệt may Việt Nam sẽ được củng cố lợi thế cạnh tranh về giá. Mặt khác, nhờ có CPTPP, DN dệt may cũng sẽ quan tâm tìm hiểu và đẩy mạnh XK sang các thị trường mới ở khu vực Nam Mỹ.
Phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng
CPTPP sẽ mang lại cơ hội cho ngành da giày Việt Nam tiếp cận những thị trường tiềm năng như Mexico và Canada, để DN tham gia phát triển những dòng sản phẩm mới, có giá trị gia tăng cao hơn. Tuy nhiên, Cục Công nghiệp nêu rõ, điều kiện để được ưu đãi thuế trong FTA kiểu mới, toàn diện như CPTPP không hề đơn giản. Muốn nhận được các ưu đãi về thuế, hàng hóa Việt phải đáp ứng được rất nhiều tiêu chuẩn khắt khe và phải đối mặt với nhiều rào cản kỹ thuật, yêu cầu xuất xứ nghiêm ngặt.
Trước hết, các sản phẩm XK trong các nước thành viên phải có xuất xứ nội khối CPTPP mới được hưởng ưu đãi. “Đây là một bất lợi vì Việt Nam chủ yếu NK từ các nước bên ngoài CPTPP như Trung Quốc, Hàn Quốc… để gia công hàng XK. Do đó, trong thời gian ngắn, nếu không chuyển đổi được vùng nguyên liệu, hàng XK của Việt Nam sẽ không được hưởng ưu đãi thuế” – Cục Công nghiệp lưu ý.
Đối với ngành dệt may, việc khai thác ưu đãi thuế không dễ bởi phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như nguyên tắc xuất xứ rất khắt khe. Cục Công nghiệp cho rằng, với năng lực, trình độ may hiện nay, các tiêu chuẩn kỹ thuật không phải là vấn đề lớn của DN. Tuy nhiên, yêu cầu xuất xứ từ sợi trở đi, nghĩa là từ công đoạn kéo sợi, dệt, nhuộm vải đều phải thực hiện trong khu vực CPTPP, là thách thức không nhỏ vì Việt Nam hiện nay đang phải NK hơn 60% nguyên phụ liệu ngoài khu vực CPTPP. Do đó, DN phải giải quyết nguồn nguyên liệu thông qua tìm kiếm nguồn nhập nguyên liệu nội khối.
CPTPP được xem là một trong những yếu tố thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu. Tuy nhiên, đây là ngành sản xuất tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nếu sử dụng công nghệ lạc hậu. Do đó, các cơ quan quản lý sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi ích về nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất và tác động tới môi trường trước khi cấp phép đầu tư.
Cục Công nghiệp khuyến cáo, DN Việt Nam phải có sự đầu tư cho nghiên cứu, phát triển sản phẩm, xây dựng các thương hiệu và tạo được giá trị riêng. Mặt khác, xây dựng chương trình hành động, kế hoạch cải thiện năng lực sản xuất để khai thác hiệu quả các ưu đãi về thuế quan trong CPTPP. |